1. Về điều kiện phân chia tài sản chung vợ chồng
Theo quy định tại Điều 38, Điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung nếu đảm bảo không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc không nhằm trốn tránh thực hiện một số nghĩa vụ như: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật có liên quan.
Để thực hiện được giao dịch phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản như sau:
a. Có tồn tại quan hệ hôn nhân
Ngay tại khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “Trong thời kỳ hôn nhân” nên điều kiện đầu tiên để thực hiện giao dịch là giữa các bên chủ thể cần tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Nghĩa là giữa hai bên cần xác lập quan hệ vợ, chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn theo khoản 5, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Quy định chia tài sản chung vợ chồng nêu trên sẽ không áp dụng với những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn bởi về bản chất, giữa họ không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng theo Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì theo Điều 40 Luật Công chứng 2014, họ phải xuất trình bản chính tài liệu chứng minh quan hệ vợ chồng. Cụ thể, các bên cần có Giấy chứng nhận kết hôn theo Khoản 7, Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014.
Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn. Đây là tài liệu có giá trị chứng minh quan hệ kết hôn hợp pháp mà các tài liệu khác như: sổ hộ khẩu, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản ghi tên hai người không thể sử dụng thay thế.
Bên cạnh đó, nếu người yêu cầu công chứng bị thất lạc Giấy đăng ký kết hôn, vợ hoặc chồng có thể xuất trình bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp tại thời điểm gần nhất để chứng minh quan hệ vợ, chồng của mình khi yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
b. Đối tượng phân chia tài sản chung vợ chồng
Điều kiện thứ hai là phải phân chia tài sản chung của vợ chồng. Cụ thể, tài sản đó do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản có thuộc sở hữu chung hay không được xác định thông qua thời điểm hình thành tài sản so với thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân và nguồn gốc hình thành tài sản. Thông thường, với những tài sản phải đăng ký theo quy định pháp luật, công chứng viên có thể dễ dàng xác định tài sản đó là tài sản chung hoặc tài sản riêng dựa trên thông tin về ngày cấp, nguồn gốc sử dụng trên các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Với những tài sản không phải đăng ký hoặc tài sản mà trên giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người, việc xác định tính chung/riêng sẽ khó khăn và cần thêm nhiều các tài liệu khác liên quan.
c. Hình thức của thỏa thuận
Tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rõ: Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo đó, việc phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bắt buộc phải lập thành văn bản. Tùy thuộc vào loại tài sản mà vợ, chồng sẽ thỏa thuận việc phân chia mà việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng được thực hiện theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng hoặc bắt buộc thực hiện.
Ví dụ: trường hợp vợ, chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở thì văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định tại khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai 2013 hoặc khoản 1, Điều 122 Luật Nhà ở 2014.
Khi đó, tùy thuộc vào hình thức văn bản, loại tài sản phân chia, … mà việc phân chia tài sản chung vợ chồng sẽ có hiệu lực vào thời điểm khác nhau theo Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể:
- Thời điểm có hiệu lực của việc phân chia tài sản chung vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Trường hợp việc chia tài sản mà pháp luật quy định giao dịch liên quan đến tài sản phải tuân theo hình thức nhất định thì việc phân chia tài sản chung vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định;
- Trường hợp Tòa án phân chia tài sản chung vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Hậu quả pháp lý của việc thỏa thuận phân chia
Trên cơ sở quy định tại Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, có thể thấy việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ làm hình thành lên tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng không làm thay đổi chế độ tài sản giữa vợ và chồng. Dù vợ, chồng tiến hành chia toàn bộ tài sản chung thì chế độ tài sản của vợ, chồng vẫn là chế độ tài sản theo luật định. Những tài sản còn lại không nằm trong thỏa thuận vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.
Khối tài sản chung của vợ chồng mang tính chất mở, chừng nào hôn nhân còn tồn tại thì khối tài sản đó còn tiếp tục phát sinh và thay đổi. Do đó, ngay cả trong trường hợp vợ chồng phân chia tài sản chung thì cũng không làm thay đổi chế độ tài sản trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc chia tài sản cũng kéo theo những tài sản sau này trở thành tài sản riêng của vợ hoặc chồng gồm: phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng, trừ trường hợp họ có thỏa thuận khác.
3. Hồ sơ khách hàng cần cung cấp để công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Khi tiếp nhận yêu cầu công chứng của khách hàng, công chứng viên cần liệt kê các tài liệu cần có trong hồ sơ yêu cầu công chứng và tiếp nhận bản chính tài liệu kiểm tra, bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (nếu có);
- Giấy tờ tùy thân của vợ, chồng (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng minh sỹ quân hoặc chứng nhận quân nhân, công nhân viên quốc phòng);
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký xe ô tô, …);
- Giấy tờ khác có liên quan: Hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn, …
Việc thực hiện thủ tục công chứng văn bản thoả thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại văn phòng công chứng Trần Thị Lan rất nhanh chóng và thuận tiện với mức phí và thù lao công chứng theo quy định của pháp luật và được niêm yết công khai tại trụ sở Văn phòng.
(Người thực hiện bài viết: Nguyễn Thị Hồng Bích)
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRẦN THỊ LAN
- Trụ sở: Số nhà 1090 đường Hạ Long, Phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
- Hotline : 0986.336.128 - 07883.23456
- Email: congchungtranthilan@gmail.com
- Website: http://dichvucongchungquangninh.vn/